Hoàn thiện thể chế để kiểm soát quyền lực nhà nước

03 Th04, 2023 - Xem: 701

Kiểm soát quyền lực cần được xem là công việc hệ trọng, cấp bách, với quyết tâm chính trị cao và nỗ lực thực hiện bằng được... Đó cũng là điều kiện tiên quyết và căn bản để đưa đất nước ngày càng phát triển theo hướng dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh

Hoàn thiện thể chế để kiểm soát quyền lực nhà nước

Hội thảo khoa học “Những vấn đề lý luận về kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng”.
Hội thảo khoa học “Những vấn đề lý luận về kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng”.
 
(PLVN) -  Kiểm soát quyền lực cần được xem là công việc hệ trọng, cấp bách, với quyết tâm chính trị cao và nỗ lực thực hiện bằng được... Đó cũng là điều kiện tiên quyết và căn bản để đưa đất nước ngày càng phát triển theo hướng dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.

Một trong 10 nhiệm vụ và giải pháp mà Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “Về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” nhấn mạnh là: hoàn thiện cơ chế thực thi quyền lực nhà nước (QLNN). Mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền lực đến đâu, trách nhiệm đến đó…

Giới hạn quyền lực nhà nước bằng phương thức pháp quyền

Tại Hội thảo khoa học “Những vấn đề lý luận về kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng” diễn ra mới đây, nhiều chuyên gia đã đưa ra các giải pháp để hoàn thiện vấn đề quan trọng này.

Theo GS.TS Võ Khánh Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, một phương thức kiểm soát QLNN trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam là giới hạn QLNN bằng phương thức pháp quyền. Đây là cách thức và phương pháp sử dụng Hiến pháp và pháp luật để giới hạn QLNN vì dân chủ, vì con người, quyền con người, quyền công dân.

Ông cho rằng, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam không đứng trên Hiến pháp và pháp luật mà tồn tại trong sự ràng buộc bởi Hiến pháp và pháp luật. Tổ chức và hoạt động của Nhà nước nói chung, tổ chức và vận hành QLNN nói riêng dựa trên nền tảng Hiến pháp, pháp luật và phù hợp với Hiến pháp, pháp luật… Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước trong thực thi công vụ chỉ được làm những gì Hiến pháp và pháp luật quy định, không được tự mình đặt ra những thẩm quyền ngoài quy định của Hiến pháp và pháp luật. Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp và pháp luật phải được phát hiện kịp thời, xử lý công bằng, nghiêm minh; có cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiệu lực, hiệu quả…

Từ quan niệm trên, GS Võ Khánh Vinh kiến nghị tiến hành một số hướng cụ thể nhằm hoàn thiện thể chế, phương thức giới hạn QLNN hiện nay ở nước ta. Một là, tiếp tục phân định rõ hơn sự lãnh đạo của Đảng, giới hạn QLNN, quyền làm chủ của nhân dân để làm cơ sở cho việc xây dựng các cơ chế kiểm soát QLNN, kiểm soát QLNN từ phía nhân dân. Hai là, phân định rõ hơn quyền lực nhân dân và QLNN theo hướng đề cao hơn các quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân, thể chế hóa đầy đủ và thực hiện hiệu quả cơ chế nhân dân thực hiện QLNN bằng dân chủ trực tiếp; hoàn thiện pháp luật về trưng cầu ý dân theo hướng tạo điều kiện để người dân tham gia giải quyết có hiệu quả những vấn đề quan trọng của đất nước và địa phương; có cơ chế bảo đảm thực hiện quyền kiến nghị của nhân dân với các cơ quan nhà nước về việc xây dựng, sửa đổi chính sách, pháp luật hoặc giải quyết một vấn đề xã hội cụ thể.

Ba là, tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa kịp thời, đầy đủ, toàn diện quan điểm, chủ trương của Đảng về quyền con người, các quyền hiến định trong Hiến pháp và các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia để hình thành các giới hạn cụ thể về quyền con người đối với QLNN; đề cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; thực hiện tốt nguyên tắc “công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm”; lấy việc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân làm tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, đưa nguyên tắc dựa trên quyền con người thành yêu cầu trong xây dựng và thực thi chính sách pháp luật, xây dựng và hoàn thiện các cơ chế giám sát, đôn đốc việc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; thành lập Ủy ban quốc gia về quyền con người do luật định…

Ngoài ra, phân định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền; bảo đảm QLNN là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực bên trong mỗi cơ quan và giữa các cơ quan nhà nước, giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương và giữa các cơ quan trong cùng một cấp chính quyền. “Đó chính là tạo ra các căn cứ đầy đủ, rõ ràng, minh bạch cho việc kiểm soát hiệu quả bên trong QLNN”, GS Vinh nhấn mạnh.

 

Trách nhiệm của toàn dân

Nghiên cứu khái niệm kiểm soát quyền lực, PGS.TS Chu Hồng Thanh, Giảng viên cao cấp Trường Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận thấy, khái niệm này lần đầu tiên được Đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức ghi nhận trong quan điểm chỉ đạo quá trình đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện nhà nước: “QLNN là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”. Đến Đại hội XIII, vấn đề kiểm soát quyền lực đã trở thành một nội dung quan trọng được nhấn mạnh. Theo Văn kiện Đại hội, một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là phải tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời coi việc tăng cường kiểm tra, giám sát công tác cán bộ, gắn với kiểm soát quyền lực, chống “chạy chức, chạy quyền” là một trong những nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, tăng cường kiểm soát QLNN.

PGS Chu Hồng Thanh chỉ rõ một đặc điểm nổi bật của vấn đề kiểm soát quyền lực ở Việt Nam là không thể chỉ dừng lại ở kiểm soát lẫn nhau giữa ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và cũng không chỉ dừng lại ở kiểm soát QLNN mà cần thiết phải mở rộng thành vấn đề kiểm soát quyền lực chính trị và kiểm soát quyền lực của hệ thống chính trị. Ông phân tích, ở Việt Nam, Đảng và các cơ quan trong hệ thống chính trị là các chủ thể quyền lực, nằm trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Huy động, phát huy vai trò của cả “hệ thống chính trị”, “cả hệ thống chính trị vào cuộc”, “trách nhiệm của cả hệ thống chính trị”... là những cụm từ thường xuyên được nhắc đến trong các văn kiện Đảng và Nhà nước, trong chỉ đạo và điều hành, trong thực tế thực thi QLNN.

Ngay từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (năm 1986), Đảng ta khẳng định: “Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý thành cơ chế chung trong quản lý toàn bộ xã hội”. Cơ chế này phản ánh và giải quyết các mối quan hệ cốt lõi của xã hội Việt Nam. Đây là một cơ chế giải quyết ba mối quan hệ chính trị cơ bản nhất ở Việt Nam hiện nay, đó là quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, là vấn đề của mọi vấn đề. Để cho cơ chế này hoạt động tốt, có hiệu quả thì vừa phải tạo ra động lực cho từng nhân tố và phối hợp hoạt động nhịp nhàng giữa ba nhân tố, vừa phải kiểm soát quyền lực trong từng nhân tố nói riêng và kiểm soát lẫn nhau trong tổng thể nói chung, trong toàn bộ hệ thống chính trị.

Cũng theo ông Chu Hồng Thanh, kiểm soát QLNN là trách nhiệm không chỉ của Đảng và các ban của Đảng (Ban Kiểm tra, Ban Nội chính, Ban Tổ chức...) như hiện nay mà là của toàn dân. Nhân dân kiểm soát QLNN vừa là quyền dân, vừa là trách nhiệm của dân, có tính chất thực hiện sứ mệnh to lớn và cao cả. Nhân dân là lực lượng quan trọng và quyết định thực hiện kiểm soát quyền lực chính trị của Đảng, quyền lực của Nhà nước và hệ thống chính trị, thực hiện kiểm tra, giám sát để hệ thống quyền lực ấy thật sự thuộc về nhân dân, vì lợi ích của nhân dân và của dân tộc…

Vì vậy, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền lực của nhân dân cũng là bảo vệ quyền lực của Đảng và Nhà nước, tôn trọng và bảo vệ quyền kiểm soát, lợi ích của nhân dân cũng là bảo vệ lợi ích của Đảng và Nhà nước. Kiểm soát quyền lực cần được xem là công việc hệ trọng, cấp bách, với quyết tâm chính trị cao và nỗ lực thực hiện bằng được, là một vấn đề vừa cơ bản vừa cấp bách ở Việt Nam hiện nay. Đó cũng là điều kiện tiên quyết và căn bản để đưa đất nước ngày càng phát triển theo hướng dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, tự do và hạnh phúc.


KHÁCH HÀNG/ĐỐI TÁC